Bàn về thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản tại ngân hàng

Tóm tắt: Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Chương VIII Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong đó có biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng. Trong quá trình giải quyết vụ án, để tránh việc tẩu tán tài sản và đáp ứng nhu cầu của thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự là nhanh chóng, kịp thời và an toàn pháp lý cho các bên đương sự, pháp luật đã quy định về thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ phong tỏa tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy vẫn còn những vướng mắc nhất định.Do đó, cần có những giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng nhằm bảo đảm áp dụng pháp luật được thống nhất, kịp thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Từ khóa: Biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Abstract: Provisional emergency measures are specified in Chapter VIII of the Civil Procedure Code of 2015, including measures of freezing accounts at banks. In the process of resolving the case, if there are grounds to believe that the obligor has an account at the bank and that the application of the measure of freezing accounts at banks is necessary to keep the assets in an account at the bank, all transactions with accounts are disabled to avoid the dispersal of assets, contributing to the correct enforcement of the law, meeting the needs of the practice of fast and timely civil dispute resolution and legal safety for the involved parties. The law has provided for the procedures for application, changing, cancellation of the application of provisional emergency measures of freezing accounts at banks, however, in practice there are still certain problems. Therefore, it is necessary to have recommendations and solutions to contribute to a more unified application of the law, to promptly protect the legitimate rights and interests of the involved parties according to the provisional emergency measures.
Keywords: Provisional emergency measures; freezing accounts at banks; the Civil Procedure Code of 2015.
1.   Thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản tại ngân hàng
a) Thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tại khoản tại ngân hàng
Về bản chất, biện pháp khẩn cấp tạm thời (KCTT) nói chung, biện pháp phong toả tài khoản tại ngân hàng (TKNH) nói riêng là một công cụ mà các bên tranh chấp được sử dụng để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình một cách tạm thời cho đến khi vụ án được giải quyết xong. Vì tính chất của việc yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT phong toả TKNHbắt nguồn từ yêu cầu cấp bách, do tình thế khẩn cấp nên thủ tục nhận và xử lý đơn trong nhiều trường hợp cũng có sự khác biệt, cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Đối với yêu áp dụng biện pháp KCTT phong tỏa TKNH trong quá trình giải quyết vụ án theo quy định của khoản 1 Điều 111 Bộ luật TTDS năm 2015.
Một là, Tòa án nhận đơn yêu cầu trước khi mở phiên tòa thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét, giải quyết. Do việc yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT phong tỏa TKNH nên bắt buộc phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Do đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, ngay sau khi người đó thực hiện xong biện pháp bảo đảm thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng biện pháp KCTT; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu[1].
Theo quy định của điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết số 02), nếu tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu áp dụng chưa đầy đủ thì Thẩm phán yêu cầu họ bổ sung trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu của Thẩm phán. Thẩm phán có thể hỏi thêm ý kiến của họ. Như vậy, từ thời điểm nhận đơn cho đến khi ra quyết định áp dụng biện pháp KCTT phong tỏa TKNH có thể kéo dài 04 ngày.
Hai là, khi Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT tại phiên tòa thì HĐXX xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án. Nếu chấp nhận, HĐXX ra quyết định áp dụng biện pháp KCTT ngay hoặc sau khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm. Việc thực hiện biện pháp bảo đảm được bắt đầu từ thời điểm HĐXX ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, nhưng người yêu cầu phải xuất trình chứng cứ về việc đã thực hiện xong trước khi HĐXX vào phòng nghị án, nếu không chấp nhận thì HĐXX phải thông báo ngay tại phòng xử án và ghi vào biên bản phiên tòa.
Theo quy định của điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị quyết số 02, nếu tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết áp dụng biện pháp KCTT chưa đầy đủ, HĐXX tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259 Bộ luật TTDS năm 2015 trong thời hạn 02 ngày làm việc và đề nghị người yêu cầu bổ sung chứng cứ.
Trường hợp 2: Đối với yêu áp dụng biện pháp KCTT phong tỏa TKNH đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện theo quy định của khoản 2 Điều 111 Bộ luật TTDS năm 2015.
Theo đó, sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp KCTT; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết[2].
Theo quy định của Điều 11 Nghị quyết số 02, trường hợp nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT ngoài giờ làm việc (kể cả ngày nghỉ), người tiếp nhận đơn phải báo cáo ngay với Chánh án Tòa án. Chánh án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT phong toả TKNH, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo để xác định yêu cầu khởi kiện có thuộc thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Tòa án đã nhận đơn hay không. Trường hợp yêu cầu khởi kiện thuộc thẩm quyền thì tiếp tục xem xét giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT phong toả TKNH. Trường hợp yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền thì trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT và các chứng cứ kèm theo.
b) Thủ tục thay đổi, hủy bỏ biện pháp phong tỏa tại khoản tại ngân hàng
Khi xét thấy biện pháp KCTT đang được áp dụng không còn phù hợp mà cần thiết phải thay đổi hoặc áp dụng bổ sung biện pháp KCTT khác thì Tòa án ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp KCTT đã được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
            (i)     Người yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT đề nghị hủy bỏ;
          (ii)     Người phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp KCTT nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;
        (iii)     Nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật Dân sự;
        (iv)     Việc giải quyết vụ án được đình chỉ theo quy định;
          (v)     Quyết định áp dụng biện pháp KCTT không đúng theo quy định;
        (vi)     Căn cứ của việc áp dụng biện pháp KCTT không còn;
      (vii)     Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
    (viii)     Các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật TTDS.
Trường hợp đã có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì việc giải quyết yêu cầu hủy quyết định áp dụng biện pháp KCTT do một Thẩm phán được Chánh án của Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp KCTT phân công giải quyết[3].
Theo quy định tại Điều 139 Bộ luật TTDS năm 2015, Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT phong tỏa TKNH có hiệu lực thi hành ngay. Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết định ngay sau khi ra quyết định cho người có yêu cầu, người bị áp dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và Viện kiểm sát cùng cấp.
c) Các vấn đề cần lưu ý khi áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản tại ngân hàng
Thứ nhất, người yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT phong toản TKNH phải nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp KCTT không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp KCTT và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT từ phía người có quyền yêu cầu.
Bộ luật TTDS năm 2015 không quy định như thế nào là phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp KCTT không đúng. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Điều 13 Nghị quyết số 02, để ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp KCTT không đúng thì Thẩm phán hoặc HĐXX phải dự kiến và tạm tính có tính chất tương đối thiệt hại thực tế có thể xảy ra nhưng không thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp KCTT, trừ trường hợp có chứng cứ rõ ràng chứng minh tổn thất hoặc thiệt hại thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp KCTT.
Việc dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra tùy thuộc vào từng biện pháp KCTT cụ thể, từng trường hợp cụ thể và được thực hiện như sau:
            (i)     Thẩm phán hoặc HĐXX đề nghị người yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra;
          (ii)     Dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra phải được lập thành văn bản, nêu rõ các khoản thiệt hại và mức thiệt hại có thể xảy ra, các căn cứ, cơ sở của việc dự kiến và tạm tính đó; nếu tại phiên tòa thì không phải lập thành văn bản nhưng phải ghi vào biên bản phiên tòa;
        (iii)     Thẩm phán hoặc HĐXX xem xét các dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra, căn cứ vào các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá và buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT thực hiện biện pháp bảo đảm.
Theo quy định, khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá phải được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp KCTT trong thời hạn do Tòa án ấn định. Trong trường hợp thực hiện biện pháp bảo đảm vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ thì khoản tiền bảo đảm được gửi giữ tại Tòa án. Tòa án phải làm thủ tục giao nhận và gửi ngay khoản tiền đó vào ngân hàng vào ngày làm việc tiếp theo. Mặc dù, Bộ luật TTDS không quy định trường hợp có nhiều ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án cũng như thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Điều 14 Nghị quyết số 02, trường hợp nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp KCTT có nhiều ngân hàng, thì người phải thực hiện biện pháp bảo đảm được lựa chọn một ngân hàng trong số các ngân hàng đó và thông báo tên, địa chỉ của ngân hàng mà mình lựa chọn cho Tòa án biết để ra quyết định thực hiện biện pháp bảo đảm.
Thứ hai, theo quy định của khoản 4 Điều 133 Bộ luật TTDS năm 2015, chỉ được phong tỏa tài khoản tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng có nghĩa vụ phải thực hiện. BLTTDS 2015 không quy định như thế nào là tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng có nghĩa vụ phải thực hiện. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Điều 12 Nghị quyết số 02, khi áp dụng biện pháp KCTT phong tỏa TKNH cần phân biệt như sau:
            (i)     Việc xác định nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp KCTT có nghĩa vụ thực hiện phải căn cứ theo đơn khởi kiện, đơn phản tố của bị đơn và đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
          (ii)     Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản có giá trị bằng hoặc thấp hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp KCTT có nghĩa vụ phải thực hiện. Người yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT có nghĩa vụ chứng minh giá trị tài khoản bị phong tỏa. Người yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của tài liệu liên quan đến việc xác định giá trị tài khoản cần phong tỏa;
        (iii)     Trường hợp tài sản bị yêu cầu phong tỏa là tài sản không thể phân chia được (không thể phong tỏa một phần tài sản) có giá trị cao hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp KCTT có nghĩa vụ phải thực hiện theo đơn khởi kiện, Tòa án giải thích cho người yêu cầu biết để họ làm đơn yêu cầu áp dụng phong tỏa tài sản khác hoặc áp dụng biện pháp KCTT khác. Nếu họ vẫn giữ nguyên đơn yêu cầu, Tòa án căn cứ vào khoản 4 Điều 133 của Bộ luật TTDS năm 2015 không chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT của họ.
2. Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản tại ngân hàng 
   –Vụ việc thứ nhất: Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn bà Ngô Thị A, bị đơn Công ty V[4]. Giữa bà A và Công ty V có ký nhiều hợp đồng mua bán gà thịt. Bà A đã bán cho Công ty V số lượng gà thịt theo 02 đợt giao nhận nhưng Công ty V chưa thanh toán tiền hàng là 3.329.247.562 đồng. Nay bà A khởi kiện yêu cầu Công ty V phải trả cho bà A tổng số tiền là 5.308.799.110 đồng. Trong đó, bao gồm: Tiền mua hàng chưa thanh toán là: 3.329.247.562 đồng, tiền bồi thường thiệt hại thực tế đã phát sinh là: 1.500.000.000 đồng, tiền phạt tương đương 8% giá trị hợp đồng do bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán là 479.551.548 đồng.
Ngày 15/8/2016, Tòa án ban hành Quyết định áp dụng biện pháp KCTT số 02/2016/QĐ-BPKCTT, phong tỏa tài khoản của Công ty V tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần N – Chi nhánh Long An với số tiền là 5.308.799.110 đồng (có buộc bà A thực hiện biện pháp bảo đảm, số tiền 500.000.000 đồng).
Theo Bản án sơ thẩm số 02/2017/DS-ST ngày 19/01/2017 của TAND huyện B, tỉnh Bình Dương tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc Công ty V phải thanh toán cho bà Ngô Thị A tổng số tiền 5.308.799.110 đồng. Ngoài ra, bản án còn tuyên về quyết định áp dụng BPKCTT.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bình Dương có ý kiến: Đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hủy bản án sơ thẩm; trong đó, phần quyết định của bản án sơ thẩm tuyên giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp KCTT nhưng tuyên hủy quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng biện pháp KCTT như vậy là không đúng quy định của pháp luật.
Cấp phúc thẩm nhận định: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên duy trì Quyết định áp dụng biện pháp KCTT số 02/2016/QĐ-BPKCTT ngày 15/8/2016, nhưng tuyên hủy bỏ Quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm. Mặt khác, bị đơn là Công ty V là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đang hoạt động bình thường, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng biện pháp KCTT “phong tỏa tài khoản tại ngân hàng” của bị đơn để bảo đảm cho việc thi hành án là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, căn cứ vào đơn yêu cầu của bị đơn và Điều 291 của Bộ luật TTDS năm 2015 đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp KCTT nêu trên. Từ đó, HĐXX cấp phúc thẩm không xem xét việc áp dụng biện pháp KCTT trong phần quyết định của bản án.
-Vụ việc thứ hai: Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn Công ty TNHH H, bị đơn là bà Lê Thị C và ông Nguyễn Ngọc Kh[5]. Theo đó, tài sản là quyền sử dụng đất của bà Lê Thị C sẽ được dùng để thi hành án theo bản án số 06/2014/KDTM-ST ngày 30/9/2014 đã có hiệu lực của TAND thị xã Đ, tỉnh Bình Phước đối với Công ty H. Bà Lê Thị C chuyển nhượng tài sản này cho Ông Nguyễn Ngọc Kh là hành vi tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Vì Vậy, Công ty H yêu cầu Tòa án tuyên: hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Bà Lê Thị C và Ông Nguyễn Ngọc Kh là vô hiệu; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Tại Bản án sơ thẩm số 10/2018/DS-ST ngày 29/5/2018 của TAND thị xã Đ tuyên: không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty H; quyết định áp dụng BPKCTT số 04/2018/QĐ-BPKCTT ngày 19/4/2018 của TAND thị xã Đ sẽ hết hiệu lực khi bản án này có hiệu lực pháp luật.
Quan điểm của Đại diện VKSND tỉnh Bình Phước: Đề nghị HĐXX áp dụng khoản 4 Điều 308, Điều 311 của Bộ luật TTDS năm 2015 hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án do đây là việc dân sự.
Cấp phúc thẩm nhận định, ý kiến của đại diện VKSND tỉnh Bình Phước tại phiên toà phúc thẩm cho rằng đây là việc dân sự nên cần hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ xét xử phúc thẩm là không phù hợp nên không được chấp nhận. Tuyên: không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty H. Đồng thời, hủy bỏ Quyết định áp dụng BPKCTT số 04/2018/QĐ-BPBĐ ngày 17/4/2018 của TAND thị xã Đ. Giải tỏa đối với tài khoản bị phong tỏa: 0251002695943; Tên tài khoản: Công ty TNHH H Việt Nam; Số tiền phong tỏa: 50.000.000 đồng theo xác nhận phong tỏa tài khoản tại Ngân hàng TMCP N Việt Nam – Chi nhánh Bình Phước ngày 19/4/2018.
-Nhận xét:
Một là, giữa VKSND và Tòa án cấp phúc thẩm chưa có sự thống nhất về cách nhận định. Cụ thể, đối với vụ việc thứ nhất, đại diện VKSND đề nghị hủy bản án sơ thẩm do phần quyết định của bản án tuyên giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp KCTT nhưng tuyên hủy quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm là không đúng quy định của pháp luật. Nhận định này của VKSND không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận; bởi lẽ, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, căn cứ vào đơn yêu cầu của bị đơn và Điều 291 Bộ luật TTDS năm 2015, Tòa án cấp phúc thẩm đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp KCTT nêu trên. Từ đó, HĐXX cấp phúc thẩm không xem xét việc áp dụng biện pháp KCTT trong phần quyết định của bản án.
Tác giả cho rằng, nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm như trên là đúng pháp luật. Bởi lẽ, Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy bỏ biện pháp KCTT phong tỏa TKNH ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm tuyên giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp KCTT nhưng tuyên hủy quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm là không phù hợp.
Hai làgiữa Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm chưa thống nhất về việc tuyên áp dụng biện pháp KCTT. Cụ thể, đối với vụ việc thứ hai, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên:“Quyết định áp dụng biện pháp KCTT số 04/2018/QĐ-BPKCTT ngày 19/4/2018 của TAND thị xã Đ sẽ hết hiệu lực khi bản án này có hiệu lực pháp luật”; Tòa án cấp phúc thẩm tuyên: “Hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp KCTT số 04/2018/QĐ-BPBĐ ngày 17/4/2018 của TAND thị xã Đ. Giải tỏa đối với tài khoản bị phong tỏa: 0251002695943; Tên tài khoản: Công ty TNHH H Việt Nam; Số tiền phong tỏa: 50.000.000 đồng theo xác nhận phong tỏa tài khoản tại Ngân hàng TMCP N Việt Nam – Chi nhánh Bình Phước ngày 19/4/2018”.
Tác giả cho rằng, trong trường hợp này, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là chưa đúng pháp luật. Bởi lẽ, theo quy định của khoản 1 Điều 139 Bộ luật TTDS năm 2015, quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT có hiệu lực thi hành ngay. Tuy nhiên, đương sự vẫn có quyền kháng cáo, VKDND có quyền kháng nghị đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Do đó, thời điểm “hết hiệu lực khi bản án này có hiệu lực pháp luật” và “có hiệu lực thi hành ngay” là hai thời điểm hoàn toàn khác nhau nên việc tuyên hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp KCTT của cấp phúc thẩm nêu trên là phù hợp.
Theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02, Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa bằng một quyết định riêng và phải ghi rõ trong bản án. Việc Tòa án cấp phúc thẩm không ban hành quyết định riêng là không đúng quy định[6].
Ba làgiữa các cấp tòa và VKSND không thống nhất cách hiểuvề bản chất vụ việc nên dẫn đến đường lối giải quyết khác nhau. Cụ thể, đối với vụ việc thứ hai, Tòa án cấp sơ thẩm xác định giữa các bên có sự tranh chấp nên áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết vụ án, nên trường hợp này Tòa án cấp sơ thẩm được áp dụng biện pháp KCTT. Tuy nhiên, quan điểm của VKSND lại cho rằng, yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là việc dân sự nên không được áp dụng biện pháp KCTT đề nghị hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; Tòa án cấp phúc thẩm lại nhận định rằng, có tranh chấp nên không phải là việc dân sự, từ đó không chấp nhận đề nghị của VKSND.
Tác giả cho rằng, nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm là phù hợp với bản chất của vụ việc. Bởi lẽ, giữa các bên, ngoài tranh chấp liên quan đến văn bản công chứng, còn có tranh chấp liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, theo quy định của Điều 26 Bộ luật TTDS năm 2015, đây thuộc trường hợp những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xem xét áp dụng biện pháp KCTT là có căn cứ.
Tuy nhiên, Bộ luật TTDS năm 2015 cũng như Nghị quyết số 02 không quy định thời điểm chấm dứt hiệu lực của quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT. Điều này dẫn đến nhiều cách hiểu và xử lý khác nhau như những trường hợp đã phân tích nêu trên. Tác giả cho rằng, xét về mặt thực tế nếu như sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp KCTT mà quyết định của Thẩm phán là có sai lầm hoặc không đúng pháp luật mà không cần thiết phải thay thế bằng một biện pháp KCTT khác thì để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị áp dụng biện pháp KCTT, Toà án phải thay đổi, huỷ bỏ quyết định đã áp dụng[7]. Xét về hiệu lực quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT là loại quyết định đặc thù trong TTDS, có hiệu lực thi hành ngay và không thể bị kháng cáo, kháng nghị. Tuy vậy, đương sự vẫn có quyền khiếu nại đối với quyết định này nếu không đồng ý với quyết định để được xem xét lại việc ra quyết định[8]. Tuy nhiên, việc không quy định thời điểm chấm dứt hiệu lực của quyết định là còn thiếu sót, dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng trên thực tiễn khác nhau.
3. Kiến nghị
Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật về áp dụng biện pháp KCTT phong tỏa TKNH trên thực tiến, tác giả kiến nghị TANDTC cần tiếp tục hướng dẫn về thời điểm chấm dứt hiệu lực của quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT; theo đó, hiệu lực của quyết định sẽ đương nhiên chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, trường hợp bản án đã quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập mà người khởi kiện, người phản tố hoặc người có yêu cầu độc lập chính là người đã yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT phong tỏa TKNH.

Thứ hai, trường hợp bản án đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập thì tính đến thời điểm có quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án./.


[1] Khoản 2 Điều 133 Bộ luật TTDS năm 2015.
[2] Khoản 3 Điều 133 Bộ luật TTDS năm 2015.
[3] Điều 137, Điều 138 Bộ luật TTDS năm 2015.
[4] Bản án số 16/2017/KDTM-PT ngày 25/9/2017 của TAND tỉnh Bình Dương.
[5] Bản án số 111/2018/DS-PT ngày 30/10/2018 của TAND tỉnh Bình Phước.
[6] Khoản 1 Điều 19 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP.
[7] Trần Anh Tuấn, Chế định BPKCTT trong BLTTDS Việt Nam, Trường Đại học Kiểm sát, https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/81/401, truy cập ngày 07/3/2021.
[8] Đoàn Tấn Minh, Nguyễn Ngọc Điệp (2016), Bình luận khoa học Bộ luật TTDS năm 2015, Nxb. Lao động, tr.132.

HÀ GIANG

Tòa án Quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ

Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10 (434), tháng 5/2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *