“Chùa” có được xem là pháp nhân hay không theo quy định của pháp luật thực định?

Trong thực tiễn tố tụng nói chung và tố tụng dân sự nói riêng, việc xác định đúng tư cách đương sự tham gia tố tụng của vụ án thật sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để áp dụng pháp luật cho đúng và thống nhất.

Từ thực tiễn tham gia xét xử vụ án dân sự trong thời gian qua, với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nguyên đơn,bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ trong vụ án), tác giả xin đưa ra một vụ án dân sự có liên quan đến việc xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của một bên đương sự là một cơ sở tôn giáo, cụ thể là Chùa TB, để cùng trao đổi.

Tóm tắt nội dung vụ án như sau:

Nguyên đơn ông Quản Văn Chánh trình bày: Nguồn gốc diện tích 5000 m2 đất là do mẹ ông Chánh (Bà Lê Thị Hai) có pháp danh là TB, đã nhận chuyển nhượng từ ông Toán vào năm 1977, khi nhận chuyển nhượng, hai bên có lập giấy sang nhượng bằng giấy tay.

Đến năm 1978, mẹ ông Chánh đã dựng cất chùa lấy tên TB, phần đất cất chùa này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2002 mẹ ông Chánh chết, khi chết bà không để lại di chúc, ông Chánh người thừa kế duy nhất của bà Hai.

Ngày 15/10/2002, ông Chánh tiến hành làm thủ tục ký văn bản khai nhận di sản thừa kế và đã được UBND huyện Dầu Tiếng xác nhận ông là con duy nhất của bà Hai nhưng chưa kê khai thửa đất trên.

Sau 8 năm, đến năm 2010, ông Chánh tiến hành làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất dối với phần đất nêu trên thì được biết đất đã cấp cho chùa TB. Ông Chánh đã khiếu nại UBND huyện Dầu Tiếng nhưng đã được UBND huyện trả lời là đã hết thời hiệu khiếu nại và hướng dẫn ông khởi kiện ra Tòa án để giải quyết theo quy định.

Ngày 10/10/2014, ông Chánh đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND tỉnh Bình Dương đã cấp cho chùa TB và công nhận thửa đất trên thuộc quyền sử dụng của ông.

Trong vụ kiện này, phía bị đơn, bà Mai Thị Ba trình bày: Nguồn gốc diện tích 5000 m2 đất là do ông Toán khai hoang và lập chùa năm 1964. Đến năm 1977, ông Toán bán cho bà Hai (mẹ của ông Chánh). Năm 1986, chùa xuống cấp nên bà Hai đã sửa chữa, cải tạo lại ngôi chùa khang trang hơn. Năm 2002, bà Hai mất, ông Chánh tiếp tục ở trên đất và trông coi chùa cho đến nay.

Ngày 01/6/2010, ông Chánh có đơn thỉnh nguyện bà Ba về sinh sống, đơn có xác nhận của ban đại diện Phật giáo xã T. Đến ngày 12/7/2010, ông Chánh lập ủy quyền cho bà Ba quản lý Chùa và được toàn quyền đứng tên đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa TB. Giấy ủy quyền trên được lập tại UBND xã T. Ngày 26/7/2011, bà Ba được bổ nhiệm trụ trì của chùa TB. Đến ngày 18/10/2012, UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chùa TB. Giữa năm 2012, phần nhà phía sau Chùa bị sụt lún nên bà Ba đổ móng nâng mặt bằng thì ông Chánh đã đập hết.

Bà Ba khẳng định chùa TB là tài sản của giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương vì khi bà Hai tu đã là sư Bà và xây dựng Chùa để tu. Nếu là cơ sở tư nhân thì không gọi là chùa mà gọi là cốc, am, miếu và người tu chỉ được gọi cư sĩ. Điều này được thể hiện tại hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nay, bà Ba khởi kiện yêu cầu ông Chánh phải trả lại diện tích đất cho chùa TB; còn 100 m2 phía sau Chùa, bà Ba đồng ý cho ông Chánh ở.

Tại phiên tòa bà Ba rút lại đơn khởi kiện.

Giáo hội phật giáo tỉnh Bình Dương trình bày: Chùa TB là cơ sở tôn giáo do bà Hai thành lập năm 1978. Tháng 6 năm 2010, ông Chánh con bà Hai là người trông coi chùa đã làm đơn thỉnh nguyện mời bà Ba về làm trụ trì để chăm lo ngôi tam bảo và hướng dẫn tu tập tu hành. Bà Ba là người quản lý, lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo và giải quyết mọi hoạt động Phật sự tại chùa TB. Căn cứ nội quy, quy định của Giáo hội và pháp luật nhà nước về Luật Đất đai đối với cơ sở tôn giáo, diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc tôn giáo quản lý, không thuộc diện đất do cá nhân, tổ chức chuyển nhượng, tặng cho, hiến cúng.

Bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương nhận định: Bà Ba là trụ trì chùa TB, chùa TB không phải là pháp nhân, nên bà Ba đại diện Chùa khởi kiện là không đúng, không có quyền khởi kiện. Tại phiên tòa bà Ba rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nên căn cứ khoản 2 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự, đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông Chánh có yêu cầu phản tố hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chùa TB và công nhận thửa đất trên thuộc quyền sử dụng của ông Chánh. Do đó, Tòa án xác định ông Quản Văn Chánh nguyên đơn, bà Mai Thị Ba bị đơn. Trong quá trình xét xử, Tòa án đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Chánh và tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chùa TB.

Người đại diện cơ sở tín ngưỡng

Vậy, trong vụ kiện này, vấn đề đặt ra là: cơ sở tôn giáo, mà cụ thể trong trường hợp này là Chùa TB, có tư cách pháp nhân hay không? Và, Tòa án xác định bà Mai Thị Ba là bị đơn có đúng hay không?

Tòa án cho rằng chùa TB không có tư cách pháp nhân, nên bà Ba đại diện Chùa khởi kiện là không đúng, không có quyền khởi kiện. Tại phiên tòa, bà Ba rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nên Tòa án đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông Chánh có yêu cầu phản tố hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chùa TB và công nhận thửa đất trên thuộc quyền sử dụng của cho ông Chánh. Do đó, ông Quản Văn Chánh trở thành NGUYÊN ĐƠN, bà Mai Thị Ba trở thành BỊ ĐƠN.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng, trong vụ án này, chùa TB phải được xem là PHÁP NHÂN PHI THƯƠNG MẠI tính từ ngày UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa. Do vậy, trong trường hợp cụ thể này trong vụ án, thì chùa TB mới là BỊ ĐƠN, bà Mai Thị Ba là người đại diện theo pháp luật của chùa TB. Do đó, Tòa án xác định bà Mai Thị Ba là BỊ ĐƠN và tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chùa TB là đã xác định tư cách tham gia tố tụng, nếu không nói là chưa chính xác và vô hình trung làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của PHÁP NHÂN chùa TB.

Trên đây là quan điểm và ý kiến pháp lý lập luận của tác giả đặt ra cho một trường hợp mà Tòa án đã xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự chưa ổn về mặt pháp lý của luật thực định đã làm thay đổi cơ bản quyền và lợi ích hợp pháp của chủa TB khi tham gia tố tụng.

Tác giả rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả và các em sinh viên thân mến.

ThS. Luật sư Nguyễn Hoài Bảo

(Giảng viên Khoa Luật – Trường Đại học Văn Lang)

­__________________________

(*) Thông tin về nhân thân của chủ thể tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng và các chủ thể liên quan đã được tác giả mã hóa để không làm ảnh hưởng đến việc tiết lộ thông tin khi không được phép theo quy tắc đạo đức hành nghề của luật sư.

(**) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không đại diện cho Khoa Luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *