GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO (DỰ KIẾN)TRÌNH ĐỘ THẠC SĨ LUẬT KINH TẾ THEO HƯỚNG ỨNG DỤNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

I. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Luật Kinh tế là một trong những ngành học được tổ chức giảng dạy tại trường Đại học Văn Lang ngày những ngày đầu thành lập trường. Khóa học Đại học đầu tiên được đào tạo từ năm 1995 đến 1999. Những Cử nhân Luật kinh tế do Trường Đại học Văn Lang đào tạo đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Đứng trước nhu cầu về nguồn nhân lực của đất nước đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Khoa Luật trường Đại học Văn Lang sẽ tổ chức đào tạo trình độ Thạc sỹ Luật Kinh tế theo hướng ứng dụng từ năm học 2020 – 2021.

1. Mục tiêu chung

Chương trình đạo tạo Thạc sĩ Luật kinh tế theo định hướng ứng dụng có mục tiêu chung là trên cơ sở nắm vững kiến thức lý luận cơ bản, trang bị kiến thức thực tiễn chuyên sâu và các kỹ năng cần thiết để người học có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực luật kinh tế; có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và sử dụng hiệu quả kiến thức chuyên ngành vào việc thực hiện các công việc cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các cơ quan tư pháp và các cơ quan xây dựng pháp luật; có khả năng vận dụng kiến thức pháp luật trong hoạt động kinh tế, kinh doanh quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam; có thể học bổ sung một số kiến thức cơ sở ngành và phương pháp nghiên cứu theo yêu cầu của chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ để tiếp tục tham gia chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành luật.

2. Mục tiêu cụ thể

Chương trình đào tạo trình độ Thạc sỹ Luật Kinh tế theo hướng ứng dụng sẽ trang bị nâng cao và làm sâu sắc hơn nữa kiến thức cho người ở góc độ thực tiễn thực thi pháp luật kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Trang bị những kỹ năng để học viên có đủ khả năng ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn và giải quyết những tình huống trong quá trình thực thi pháp luật kinh tế. Chương trình cũng sẽ trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng để có thể tổng kết thực tiễn công tác, biết cách rút ra bài học kinh nghiệm, phát hiện vấn đề và đưa ra giải pháp mới cho những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật kinh tế.

II. CHUẨN ĐẦU RA

1. Về kiến thức

  • Người học biết, nắm vững các kiến thức cơ bản về triết học, khoa học pháp lý làm nền tảng cho việc tiếp thu kiến thức chuyên ngành về pháp luật;

  • Người học có kiến thức nâng cao và bước đầu tiếp cận theo hướng chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật thuộc các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ Luật Kinh tế theo định hướng ứng dụng;

  • Người học đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (hoặc tương đương) để có thể sử dụng trong công tác chuyên môn và các hoạt động thực hành pháp luật.

  • Người học có trình độ công nghệ thông tin căn bản để phục vụ hoạt động chuyên môn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

2. Về kỹ năng

  • Kỹ năng chuyên môn: Người học biết, nắm vững và vận dụng thành thạo các kỹ năng cơ bản trong hoạt động xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, xét xử, tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng; có phương pháp và kỹ năng phân tích, tranh luận, trình bày các ý kiến, lập luận pháp lý trong môi trường hành nghề pháp luật.

  • Kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm: Người học biết cách tương tác, phối hợp trong làm việc nhóm hoặc có khả năng làm việc độc lập khi thực hiện các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp.

3. Về thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp

  • Người học có thái độ nghiêm túc, đúng đắn về nghề nghiệp và luôn tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp; có trách nhiệm công dân, có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và chủ động tuyên truyền, vận động người khác tuân thủ pháp luật.

  • Người học có phẩm chất chính trị vững vàng, có thái độ sẵn sàng phục vụ nhân dân trong quá trình thực hiện các công việc chuyên môn nghề nghiệp.

  • Người học có thái độ chủ động cập nhật kiến thức, tự học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, có tinh thần phản biện, ý thức sáng tạo và tự tin trong công việc.

4. Về vị trí việc làm mà người học có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp

Người tốt nghiệp thạc sĩ các chuyên ngành đào tạo luật Kinh tế theo định hướng ứng dụng có thể tham gia thực hiện công việc chuyên môn ở các vị trí:

  • Nhóm 1: làm việc tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương trong các công việc liên quan đến quản lý kinh tế, hội nhập quốc tế dưới giác độ của pháp luật như các tại các bộ, ủy ban nhân dân các cấp, Văn phòng chính phủ, các cơ quan tòa án, viện kiểm sát…
  • Nhóm 2: làm việc cho các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý như luật sư, tư vấn trong các công ty, văn phòng luật; chuyên viên pháp chế trong các doanh nghiệp có yêu cầu sử dụng nhân lực chuyên môn cao trong lĩnh vực luật kinh doanh quốc tế;
  • Nhóm 3: làm việc cho các tổ chức quốc tế liên chính phủ, phi chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế khác;
  • Nhóm 4: giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứu hoặc đào tạo về pháp Luật Kinh tế, đặc biệt là luật kinh doanh quốc tế như các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm đào tạo và nghiên cứu.

Ngoài ra, người học có khả năng tiếp tục tham gia chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành luật Kinh tế, sau khi học bổ sung một số học phần trong chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu của chuyên ngành đào tạo tương ứng.

III. YÊU CẦU ĐỐI VỚI NGƯỜI DỰ TUYỂN

1. Điều kiện văn bằng

Người dự thi tuyển sinh chương trình đào tạo thạc sĩ Luật Kinh tế cần có một trong các điều kiện sau:

  • Đã tốt nghiệp đại học ngành Luật hoặc phù hợp với ngành Luật bao gồm các ngành sau: Luật, Luật thương mại, Luật Kinh tế, Luật kinh doanh, Luật quốc tế, Luật kinh doanh quốc tế, Luật thương mại quốc tế.

  • Đã tốt nghiệp đại học ngành gần với ngành Luật, bao gồm các nhóm ngành/ngành/chuyên ngành sau: Quản trị – Luật, Kinh tế – Luật, Tiếng Anh pháp lý, Kinh tế, Kinh tế đối ngoại, Kinh tế quốc tế, Thương mại quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Quan hệ quốc tế, Kinh doanh và quản lý, Quản trị Kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán, các ngành/chuyên ngành đào tạo khác cùng nhóm ngành và đã học bổ sung kiến thức theo quy định của trường Đại học Văn Lang.

1. Môn thi tuyển

Thi tuyển dưới hình thức thi viết 03 môn:

  • Môn cơ bản: Triết học

  • Môn cơ sở: Lý luận nhà nước và pháp luật.

  • Ngoại ngữ: Tiếng Anh

2. Trường hợp miễn thi Ngoại ngữ

Người dự thi sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ nếu có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung, Nhật) theo quy định chung của Bộ giáo dục và Đào tạo.

3. Đối tượng và chính sách ưu tiên: Theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

IV. KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC VÀ CẤU TRÚC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

1. Khối lượng kiến thức

1.1. Kiến thức chung: 7 tín chỉ (trong đó có 04 tín chỉ học phần triết học; 03 tín chỉ học phần phương pháp nghiên cứu khoa học).

1.2. Kiến thức cơ sở và chuyên ngành: 41 tín chỉ (trong đó có 23 tín chỉ các học phần bắt buộc, 18 tín chỉ các học phần tự chọn).

1.3. Luận văn tốt nghiệp: 12 tín chỉ.

Tổng số tín chỉ toàn khóa học: 60 tín chỉ.

2. Cấu trúc chương trình đào tạo:

Học viên sẽ được học tập, nghiên cứu 10 học phần bắt buộc và 6 học phần tự chọn.

Chương trình đào tạo trình độ Thạc sỹ Luật kinh tế theo hướng ứng dụng của trường Đại học Văn Lang được xây dựng sát với thực tiễn Việt Nam và có sự tham khảo, kế thừa chương trình đào tạo tiên tiến của nhiều trường trong và ngoài nước.

Xem CTĐT (dự kiến) thạc sĩ Luật Kinh tế tại đây

V. HỌC LIỆU VÀ ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN

1. Về học liệu:

Trường Đại học Văn Lang luôn chú trọng cập nhật và cung cấp cho người học hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, tài liện hướng dẫn học tập phong phú, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và học tập.

2. Đội ngũ giảng viên:

Với tinh thần “Đạo đức – ý chí – sáng tạo”, chương trình đào tạo trình độ Thạc sỹ Luật Kinh tế theo hướng ứng dụng của trường Đại học Văn Lang được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia ngành luật, gồm những nhà giáo, nhà nghiên cứu của trường Đại học Văn Lang và các trường bạn; những chuyên gia thực tiễn (Luật sư, Công chứng viên, Thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ tòa án…) có trình độ chuyên môn, học hàm, học vị cao, tận tâm với nghề, luôn theo đuổi sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu chiến lược của Đại học Văn Lang.

Khoa Luật

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *