Khi nào con cái phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho cha mẹ?

Trong thực tiển đời sống hiện nay, rất nhiều trường hợp cha mẹ vay nợ xong nhưng không có khả năng trả và chủ nợ thường tìm đến con cái của những người này để đòi. Vậy con cái có trách nhiệm phải trả nợ thay cho cha mẹ của mình trong những giao dịch vay mượn mà cha mẹ đã xác lập trước đó hay không?

Quy định của pháp luật về hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên về số tiền vay, thời hạn, lãi suất cho vay. Trong đó:

(i) – Một bên sẽ giao tài sản (tiền, tài sản có giá khác) cho 01 bên để giải quyết nhu cầu của mình.

(ii) – Khi đến thời hạn theo quy định, bên đi vay phải trả lại nguyên vẹn số lượng, chất lượng, lãi suất (nếu có) cho bên cho vay. (1)

Theo quy định nêu trên, bên đi vay phải có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi suất cho bên cho vay theo đúng thời hạn đã thỏa thuận. Nếu tài sản vay là vật thì khi trả nợ, bên vay phải trả cho bên cho vay cùng loại, đúng số lượng, chất lượng.Ngoài ra, nếu các bên thỏa thuận vay có lãi thì lãi suất không được quá 20%/năm của khoản tiền vay.Như vậy, dù có thỏa thuận lãi suất hay không thì nghĩa vụ của người đi vay cũng phải trả nợ gốc và lãi suất (nếu có) đúng thời hạn theo thỏa thuận.

Nghĩa vụ trả nợ thay cho cha mẹ có phải là nghĩa vụ bắt buộc?

Tuy vậy, trong nhiều trường hợp không phải người vay nào cũng có thể trả nợ đúng hạn và đúng số lượng theo như thỏa thuận. Và khi cha mẹ là người đi vay, không trả được nợ thì liệu con cái có phải là người phải trả hộ không?

Theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình (2), con cái có nghĩa vụ:

(i) – Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình;

(ii) – Có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình, đóng góp thu nhập phù hợp với khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu của gia đình;

Và chúng ta nhận thấy trong các nghĩa vụ nêu trên không hề có nghĩa vụ trả nợ thay cho cha mẹ.

Ảnh:nguồn Internet

Nếu phải phát sinh nghĩa vụ trả nợ thay cho cha mẹ của mình, thì nghĩa vụ của con cái sẽ phát sinh trong những trường hợp nào?

Trường hợp thứ nhất: Khi con cái là người bảo lãnh cho khoản vay của cha mẹ.

Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với b6n có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh) nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (3). Do vậy, nếu người con bảo lãnh cho khoản vay của cha mẹ thì khi đến thời hạn thỏa thuận mà cha mẹ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì người con sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay.

Trường hợp thứ hai: Con trả nợ thay nếu được nhận di sản thừa kế từ cha mẹ

Khi người để lại di sản qua đời, những người hưởng thừa kế của người này phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại. Nghĩa là khi người vay tiền chết thì những người hưởng di sản theo di chúc hoặc các hàng thừa kế theo pháp luật phải có trách nhiệm trả nợ thay.Như vậy, nếu con cái là người được hưởng di sản từ cha mẹ thì phải có trách nhiệm trả khoản nợ mà khi còn sống cha mẹ đã vay. Lúc này, người con sẽ dùng chính tài sản mình được hưởng thừa kế để thực hiện nghĩa vụ trả nợ và chỉ phải trả nợ trong phạm vi giá trị tài sản đã được nhận thừa kế và được xem như là thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, mặc dù pháp luật không quy định con cái phải trả nợ thay cha mẹ trừ trường hợp người con tự nguyện trả nợ hoặc do đã có thỏa thuận từ trước hoặc khi người con được nhận thừa kế tài sản do cha mẹ để lại (4).

ThS.Nguyễn Hoài Bảo

(Giảng viên Khoa Luật – Trường ĐH Văn Lang)

Biên tập: Ths. Cao Ngọc Sơn

(*) Bài viết thể hiện quan điểm phân tích nghiên cứu của cá nhân tác giả, không đại diện cho Khoa Luật.

Chú thích

  1. Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015;
  2. Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
  3. Khoản 1 Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015;
  4. Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *