Người từ chối sử dụng vắc xin Covid-19 có bị phạt không?

Những ngày gần đây, thông tin Thành phố Hồ Chí Minh được một doanh nghiệp tặng 05 triệu liều vắc xin Covid – 19 của Sinopharm đã làm dấy lên những lo lắng của một bộ phận cư dân về việc họ sẽ phải chích ngừa bằng loại vắc xin mà họ cho rằng tính hiệu quả của nó không đảm bảo. Một số người đã bày tỏ quan điểm sẽ không chích loại vắc xin này, nhưng họ lo ngại rằng sẽ bị phạt nếu không chịu chích ngừa vắc xin Covid – 19 với mức phạt từ 01 đến 03 triệu đồng.

Trên một vài trang mạng, có người cho rằng: “không có chuyện phạt người không chịu chích vắc xin”. Người khác lại nói: “không chịu chích sẽ bị phạt”.

Nghiên cứu những văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm, chúng tôi thấy cần làm rõ một số vấn đề sau đây:

Cơ quan chức năng có quyền yêu cầu người dân bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong phòng, chống dịch bệnh hay không?

Ngày 23 tháng 01 năm 2020, Việt Nam có ca bệnh đầu tiên do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Ngày 01 tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố Quyết định số 447/QĐ-TTg “Về việc công bố dịch COVID-19”. Theo quyết định này, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra là “bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu”. Theo đó, việc phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Mục 5, Chương 2 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về “sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh” tại các Điều 27, Điều 28 và Điều 29, như sau: “Vắc xin, sinh phẩm y tế được sử dụng theo các hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc” (Điều 27); quy định về “Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tự nguyện” (Điều 28); “Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc” (Điều 29).

Theo Điều 29, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh. Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Như vậy, trong trường hợp phòng, chống dịch COVID-19, các cơ quan chức năng có quyền yêu cầu người dân bắt buộc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế là người có thẩm quyền quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc tuỳ theo tình hình dịch. Cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu bằng hình thức thông báo rộng rãi hoặc thông báo riêng đến từng đối tượng cụ thể trong trường hợp cần thiết. Người được yêu cầu bắt buộc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng, nếu không chấp hành, có thể phải bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Người sử dụng không cần ký vào “bản cam kết” sử dụng vắc xin như trong trường hợp sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tự nguyện.

Đối với trường hợp “sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tự nguyện” thì “mọi người có quyền sử dụng” và “Nhà nước khuyến khích công dân tự nguyện sử dụng”. Hiện nay, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam đang áp dụng hình thức sử dụng vắc xin tự nguyện. Mọi người có nhu cầu sử sụng vắc xin, chỉ cần đăng ký sử dụng theo khu vực dân cư, doanh nghiệp, cơ quan… để được Nhà nước cung cấp miễn phí mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào. Tính “tự nguyện” còn thể hiện ở việc, trước khi sử dụng vắc xin, người sử dụng được yêu cầu ký vào “bản cam kết” sử dụng vắc xin do cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Cơ sở y tế cần thông báo rõ loại vắc xin, sinh phẩm y tế hiện có và sẽ cung cấp để người sử dụng quyết định có sử dụng hay không sử dụng. Cơ sở y tế có quyền từ chối những trường hợp người tự nguyện sử dụng vắc xin nhưng có bệnh nền có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế. Những loại bệnh này được xác định bởi văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp nào bị phạt và mức phạt đối với người từ chối sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong phòng, chống dịch bệnh?

Từ những phân tích trên, có thể thấy: với những người đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe được cơ quan chức năng yêu cầu bắt buộc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong phòng, chống dịch bệnh mà từ chối sử dụng thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Mức phạt được quy định tại Điều 9, Nghị định 117/NĐ-CP, ngày 28 tháng 9 năm 2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Pháp luật quy định thế nào về “các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế”?

Điểm a, Khoản 2, Điều 9 được viện dẫn trên đây có đề cập vấn đề “các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế”. Điều đó có nghĩa là chỉ khi từ chối sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế thì mới bị phạt. Trường hợp những bệnh chưa có vắc xin, sinh phẩm y tế hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền khong yêu cầu người dân bắt buộc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế thì không đặt ra vấn đề “phạt”. Câu hỏi ở đây là có văn bản nào của Nhà nước quy định về vấn đề này không?

Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ngày 17 tháng 7 năm 2017 Bộ Y tế đã có Thông tư số 38/TT-BYT ban hành “Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc”. Do bản danh mục này ban hành trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg “Về việc công bố dịch COVID-19”, do đó trong danh mục của Bộ Y tế chưa có “bệnh viêm đường hô hấp cấp do biến chủng mới của vi rút Corona gây ra” (COVID-19). Để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, Bộ Y tế cần ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư 38, cập nhật những nội dung phù hợp với nhiệm vụ phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Hiểu thế nào là “từ chối sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế”?

Trong các văn bản, không giải thích thế nào là “từ chối sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế”. Đây là một bất cập, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng mỗi người hiểu theo một cách khác nhau, gây tranh cãi. Chẳng hạn, trong trường hợp Nhà nước có nhiều loại vắc xin, sinh phẩm y tế phù hợp với mọi đối tượng sử dụng thì người bị bắt buộc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế có hay không có quyền từ chối sử dụng một loại vắc xin nào đó và yêu cầu được sử dụng loại vắc xin khác mà Nhà nước có khả năng cung cấp? Nói cách khác, người bị bắt buộc sử dụng vắc xin có quyền lựa chọn loại vắc xin để sử dụng hay không?

Chúng tôi cho rằng trong trường hợp sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tự nguyện thì người dân có quyền lựa chọn loại vắc xin để sử dụng và được phép từ chối sử dụng loại vắc xin khác. Trong trường hợp sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc thì người bị bắt buộc sử dụng vắc xin phải sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Họ chỉ có thể lựa chọn loại vắc xin trong số loại vắc xin mà cơ quan có thẩm quyền có khả năng cung cấp tại thời điểm bị yêu cầu sử dụng.

5. Hiện nay các cơ quan chức năng đã xử phạt những trường hợp từ chối sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế chưa?

Thực tế phòng, chống dịch COVID -19 cho thấy các cơ quan chức năng đang khuyến khích nhân dân sử dụng vắc xin và có kế hoạch để nhân dân được sử dụng vắc xin một cách rộng rãi. Tại thời điểm này, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào bị xử phạt vì từ chối sử dụng vắc xin phòng COVID – 19 (trong đó có vắc xin phòng Covid-19 của Sinopharm).

Phan Quang Thịnh

(Khoa luật, Trường Đại học văn Lang)

 

One thought on “Người từ chối sử dụng vắc xin Covid-19 có bị phạt không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *