Nguyễn Viết Bình phạm tội gì “Tham ô tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”?

Chúng ta thường nói đến tính chính xác trong khoa học pháp lý của pháp luật hình sự nói chung và các quy định về xác định tội danh của Bộ luật hình sự nói riêng. Tuy nhiên, trong thực tiển thực thi các hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng tại các giai đoạn tố tụng như điều tra, truy tố và xét xử đã không khỏi có những lúng túng, sai lầm chủ quan trong việc xác định tội danh của bị can, bị cáo dẫn đến làm oan sai cho người bị buộc tội.

Sau đây, tác giả muốn đề cập trong bài viết này một sự việc thực tế đã xảy ra trong thực tiển hành nghề. Nội dung sự việc như sau:

Vào tháng 9/2018, Nguyễn Viết Bình là người được Phòng Nông nghiệp huyện TB giao nhiệm vụ đảm bảo đủ lúa giống cho nông dân của huyện canh tác vụ thu đông. Theo đó, Bình đã thỏa thuận với những người bán, cung cấp lúa giống là mua lúa giống mỗi tháng thanh toán một lần, tháng sau thanh toán tiền tháng trước. Sau khi mua lúa giống thì Bình lập bảng kê khai chi tiết tên người bán, cung cấp lúa giống, số lượng lúa, thành tiền và Phòng tài chính huyện cũng đã thanh toán tiền đầy đủ cho Bình. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của Phòng tài chính huyện, Bình đã không thanh toán cho những người bán, cung cấp lúa giống mà lấy tiêu xài cá nhân nên khi đến hạn thanh toán, Bình không thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần cho người bán, cung cấp và báo với họ là Ủy ban nhân dân huyện (Phòng tài chính) chưa thanh toán tiền cho mình nên mình chưa thể trả và Bình cung cấp cho người bán bằng chứng bảng kê giả có đóng dầu treo xác nhận của Ủy ban. Các giao dịch đều thông qua gọi điện trao đổi, không có hóa đơn chứng từ mà Bình chỉ ký sổ xác nhận nợ của những người bán, cung cấp lúa giống. Tổng số nợ của Bình là 1,2 tỷ đồng.

Khi sự việc bại lộ, trong quá trình tố tụng phía cơ quan tiến hành tố tụng là Công an huyện TB, Viện Kiểm sát nhân dân huyện TB, Tòa án nhân dân huyện TB và phía luật sư bào chữa đã có những quan điểm bất đồng xung quanh việc xác định tội danh của bị cáo Bình, cụ thể:

Quan điểm của Công an huyện và Viện kiểm sát huyện TB

Các cơ quan này cho rằng Bình phạm tội tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với lý do tài sản mà Bình chiếm đoạt là tiền của Ủy ban nhân dân huyện TB có nguồn gốc là từ tiền của ngân sách nhà nước phân bổ cho huyện, mà Bình có trách nhiệm quản lý số tiền đó, nên Ủy ban nhân dân dân huyện TB là bị hại còn những người bán, cung cấp lúa giống là người có quyền và nghĩa vụ liên quan hoặc người làm chứng.

Điều tra bổ sung nhiều đại án vì lấn cấn tội danh tham ô - Tuổi Trẻ Online

Ảnh: Nguồn Internet.

Quan điểm của Tòa án nhân dân huyện TB

Phía Tòa án nhân dân huyện TB trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án này vào tháng 11/2021 thì có quan điểm cho rằng Nguyễn Viết Bình phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với các lý lẽ lập luận như sau:

Thứ nhất, Tòa án cho rằng đối tượng của tội tham ô tài sản phải là tài sản đang do người phạm tội quản lý một cách hợp pháp (do yếu tố chức vụ đem lại) theo mô tả trong cấu thành của Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Còn đối tượng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối hòng chiếm đoạt tài sản của người khác theo mô tả tại cấu thành của Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Xét cụ thể trong tình huống trên, Bình được giao nhiệm vụ đảm bảo số lúa giống cho nông dân trong huyện canh tác vụ mùa, có nghĩa rằng là Bình phải đảm bảo cung cấp đủ lúa giống cho bà con nông dân bằng việc xác lập những giao dịch dân sự, mua lúa giống và khi Ủy ban nhân dân huyện thông qua Phòng tài chính thanh toán thì Bình phải thanh toán tiền cho bên bán, cung cấp lúa giống. Như vậy, trong trường hợp cụ thể này, Bình không có nhiệm vụ quản lý tiền của Ủy ban.

Thứ hai, hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối (bằng chứng lập bảng kê giả có đóng dấu treo của Ủy ban) để nói dối những người bán, cung cấp lúa giống là Ủy ban chưa thanh toán nhắm chiếm đoạt tiền mình được giao quản lý.

Trong tình huống này, Bình thực hiện việc mua bán lúa giống thông qua hợp đồng bằng hình thức (lời nói) gọi điện trao đổi và ký sổ nợ, theo phương thức thanh toán mà hai bên thỏa thuận là tháng sau trả tiền tháng trước. Tuy nhiên, đến thời hạn thanh toán, mặc dù Phòng tài chính huyện đã thanh toán tiền mua lúa giống để Bình thanh toán cho bên cung cấp nhưng Bình cố tình vi phạm hợp đồng, không trả tiền mua lúa giống mà lại nói dối với người/đơn vị bán lúa giống là Ủy ban nhân dân huyện chưa có tiền trả (lợi dụng danh nghĩa của Ủy ban) và tạo lập bằng chứng bảng kê giả, có đóng dấu treo của Ủy ban để cố ý chiếm đoạt số tiền đó cho mục đích tiêu xài cá nhân.Từ sự phân tích này, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên xử bị cáo Bình theo điểm đ khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) và xác định Ủy ban nhân dân huyện TB là người bị hại và những người/đơn vị bán lúa giống là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Quan điểm của tác giả (luật sư bào chữa cho bị cáo Bình)

Tác giả khi tham gia bào chữa cho bị cáo Bình trong vụ án này thì có quan điểm cho rằng bị cáo Bình chỉ phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đọat tài sản theo luận điểm phân tích như sau: Bình đã nhận tài sản được giao, rồi vi phạm hợp đồng, không trả tiền mua lúa giống cho những người bán, cung cấp mà lại nói dối với người bán, cung cấp lúa giống là Ủy ban nhân dân huyện chưa có tiền trả (lợi dụng danh nghĩa của Ủy ban) để chiếm đoạt tài sản mà mình được giao trên cơ sở hợp đồng, giao dịch nên Bình phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo định khung tăng nặng tại điểm d khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) là lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức. Như vậy, những người bán, cung cấp lúa giống sẽ là người bị thiệt hại trực tiếp từ hành vi của Bình gây ra nên tư cách tố tụng của họ là bị hại (Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), còn Ủy ban nhân dân huyện TB là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trên đây là ý kiến trình bày, phân tích của tác giả với mong muốn chia sẻ tình huống pháp lý này đến Quý Thầy/Cô cùng các em sinh viên Khoa Luật – Đại học Văn Lang thân mến và kính mong Quý Thầy/Cô cùng các em sinh viên tham gia đóng góp ý kiến phân tích, đánh giá phản biện ở góc độ pháp lý học thuật để luận giải chính xác cho tội danh của bị cáo theo tình tiết của vụ án như đã nêu.

ThS.LS. Nguyễn Hoài Bảo

(Giảng viên Khoa Luật – Trường ĐH Văn Lang)

Biên tập: Ths. Cao Ngọc Sơn

(*) Thông tin về nhân thân của bị cáo, chủ thể tiến hành tố tụng đã được tác giả mã hóa, thay đổi để không làm ảnh hưởng đến việc tiết lộ thông tin của khách hàng khi không được phép theo quy tắc đạo đức hành nghề của luật sư.

(**) Bài viết thể hiện quan điểm nghiên cứu của cá nhân tác giả, không đại diện cho Khoa Luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *