Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Luật Hình sự Việt Nam

“Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Luật hình sự Việt Nam” đang là vấn đề nhận nhiều sự quan tâm của cộng đồng trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát nặng nề tại Việt Nam. Nhận thức được tính cấp thiết của đề tài nhóm nghiên cứu đã chọn đề tài trên làm đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên. Đề tài được xây dựng dựa trên nhiều phương pháp nghiên cứu đa dạng để đưa ra những ưu, nhược điểm còn tồn tại của Điều 240 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, kết hợp với việc nghiên cứu thực tiễn xã hội về những khía cạnh xoay quanh vấn đề để đưa ra những giải pháp, cũng như những kiến nghị có tính áp dụng cao nhằm hoàn thiện khung pháp luật về việc xử lý vi phạm hình sự, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát gây hậu quả nặng nề như hiện nay.

  1. Tình hình dịch bệnh

Đại dịch COVID-19 là đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khía cạnh đặc biệt là tính mạng sức khỏe con người. Sự lây nhiễm virus từ người sang người đã được xác nhận, cùng với đó tỷ lệ bùng phát dịch bệnh liên tục tăng nhanh với con số lên đến hơn 120 nghìn ca nhiễm tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm hơn 4.000 người tử vong. Tính đến ngày 18 tháng 12 năm 2021 số ca đã lên đến con số 274.051.048 ca nhiễm trên toàn thế giới, có thể thấy con số này đã được nhân lên gấp rất nhiều lần so với con số ban đầu khi vừa công bố “đại dịch toàn cầu”. Cùng với đó con số ca tử vong cũng tăng không ngừng, hiện tại ngày 18 tháng 12 năm 2021 con số đã lên đến 5.363.312 ca tử vong.

Tại Việt Nam hiện nay đã trải qua 4 đợt dịch. Và đã thực hiện công tác phòng chống ngăn chặn và dập tắt dịch thành công trong 3 đợt dịch vừa qua. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với đợt dịch thứ 4 hết sức nghiêm trọng. Tính từ 27/4 đến 18/12 năm 2021, Việt Nam có 1.524.368 ca nhiễm.

Từ đó ta thấy, trước thách thức trên về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh đến sứ khỏe và sinh mệnh của nhân loại, việc nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng ngừa dịch bệnh có ý nghĩa quyết định trong việc phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 gây ra. Đối với những người cố tình không tuân thủ các quy định về phòng ngừa dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm, cần bị xử lý theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, điều cấp thiết đặt ra là Nhà nước cần phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để xử lý những hành vi vi phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, việc này vừa mang tính giáo dục, đồng thời cũng mang tính răn đe để có thể kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn.

2.1 Khách thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe cho con người trong vấn đề phòng ngừa dịch bệnh.

Đối tượng tác động của tội phạm là các động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2.3 Mặt khách quan của tội phạm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, người phạm tội có thể thực hiện các hành vi sau:

  • Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người. Vùng có dịch bệnh là khu vực được cơ quan có thẩm quyền công bố là có dịch theo quy định của pháp luật.
  • Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người.
  • Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người là những hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm như: cố tình mua bán, giết mổ, chế biến động vật; cố tình mang ra khỏi vùng có dịch các loại thức ăn chăn nuôi, công cụ chăn nuôi; cố tình không cách ly hoặc không chấp hành quy định xử lý động vật, thực vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; hoặc có các hành vi khác trực tiếp gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người… Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi phạm tội nêu trên.

Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là tội phạm có cấu thành vật chất nên hậu quả “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” là dấu hiệu định tội. Đây là loại hậu quả phi vật chất, chỉ cần có dấu hiệu dịch bệnh lây lan từ người này sang người khác, từ “trung gian truyền bệnh” sang người, không cần chứng minh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe tài sản.

2.4 Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Riêng đối với hành vi cho phép đưa ra khỏi vùng dịch bệnh hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người có chủ thể là người ngoài, việc thỏa mãn hai dấu hiệu trên cần thỏa mãn thêm dấu hiệu là người có chức vụ, quyền hạn trong việc cho phép đưa ra khỏi vùng dịch bệnh hoặc cho phép nhập khẩu vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm cho người.

2.5 Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người có lỗi cố ý hoặc vô ý. Khi thực hiện hành vi, họ nhận thức được hành vi của mình tất yếu hoặc có thể sẽ làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội với mong muốn dịch bệnh xảy ra; hoặc tuy không mong muốn dịch bệnh xảy ra nhưng có ý thức để mặc cho dịch bệnh xảy ra; hoặc họ tin rằng hậu quả làm lây lan dịch bệnh sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

  1. Khó khăn trong quy định và áp dụng pháp luật về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

3.1 Khó khăn trong quy định pháp luật

Khi dịch bệnh bùng phát đầu tiên, vấn đề “hành vi khác” ở điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 gặp phải những lúng túng trong việc áp dụng xử lý hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Để nâng cao công tác phòng chống dịch hiệu quả và đồng thời khắc phục nhược điểm của vấn đề trên ngày 30 tháng 3 năm 2020 Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 về “hành vi khác” tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015,

Theo Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thì người thuộc các trường hợp “đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly” mới là đối tượng bị xử lý tội danh được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015. Công văn 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cụ thể hóa hành vi khác ở Điểm c Khoản 1 Điều 240 về khía cạnh nội dung vẫn chưa thực sự dự liệu được những tình huống xảy ra và cụ thể hóa được hết bản chất của Điểm c Khoản 1 Điều 240, từ đó có thể bỏ lọt tội phạm trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.

Tuy nhiên, căn cứ quy định Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã liệt kê hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhưng trong đó không bao gồm Công văn. Mà tại Điều 7 Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư đã liệt kê các loại văn bản hành chính trong đó có Công văn. Có thể thấy, Công văn số 45/TANDTC-PC không phải là văn bản quy phạm pháp luật, đây chỉ là công văn nội bộ hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử gửi đến Chánh án Tòa án các cấp. Hơn thế nữa, Công văn của Tòa án nhân dân tối cao không có giá trị bắt buộc đối với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Vì vậy, có thể nói giải pháp ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC chưa thật sự đem lại hiệu quả đối với việc cụ thể hóa Điểm c Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 trong từng trường hợp cụ thể.

3.2 Khó khăn trong thực tiễn áp dụng

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Việt Nam đã có quy định về việc xử phạt những hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015. Thế nhưng vẫn còn nhiều trường hợp người phạm tội cố ý làm lây lan cho người khác, dẫn đến tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Điển hình như các vụ việc liên quan đến bệnh nhân 1342 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân 1440 ở Vĩnh Long, bệnh nhân 3051 tại Hải Dương, bệnh nhân L.V.T tại Cà Mau, bệnh nhân T.T.Ch tại Tiền Giang, bác sĩ Q.T.B tại Bình Thuận.

Nhìn chung đa số các vụ việc đã thỏa mãn quy định về “hành vi khác” được hướng dẫn trong Công văn 45/TANDTC-PC và đã đầy đủ cấu thành tội phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015. Nhưng trong đó còn có một số vướng mắc khó khăn trong các vụ việc của bệnh nhân 1440 ở Vĩnh Long và bác sĩ Q.T.B vẫn còn khó khăn trong viêc xử lý.

Đối với vụ việc của bệnh nhân 1440 ở Vĩnh Long nhóm tác giả nhận thấy Theo nhóm tác giả nhận thấy, vụ việc này đã đủ cấu thành tội phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự. Nhưng tại Công văn 45/TANDTC-PC có quy định “người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” và trên thực tế vụ việc tại tỉnh Vĩnh Long chưa có yêu cầu cho bệnh nhân 1440 đi cách ly, hay quyết định bệnh nhân 1440 thuộc đối tượng phải khai báo mà là do mẹ của bệnh nhân 1440 đã tự khai báo cho chính quyền. Như vậy, theo Công văn 45/TANDTC-PC người thực hiện hành vi này trước đó phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu khai báo y tế. Có thể thấy chưa thỏa mãn các điều kiện tại Công văn 45/TANDTC-PC để bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự, việc quy định này chưa được hợp lý vì vậy cần phải có một văn bản mới quy định rõ ràng hơn để việc áp dụng pháp luật diễn ra một cách đúng đắn, kịp thời.

Đối với vụ việc Bác sĩ sản khoa làm lây lan dịch bệnh tại Bình Thuận, về chủ thể hành vi của bác sĩ Q.T.B không thực hiện việc khai báo y tế tại điểm kiểm dịch là “hành vi khác” được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, được Công văn 45/TANDTC-PC hướng dẫn. Nhưng ở vụ việc trên thì “hành vi khác” bị xử lý hình sự mà đối với vụ việc bà Q.T.B thì lại bị xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng. Từ đó có thể thấy, ở mỗi địa phương khác nhau thì lại có những cách xử lý khác nhau, vẫn chưa có sự thống nhất, dẫn đến tình trạng cùng một hành vi vi phạm giống nhau nhưng lại bị xử phạt khác nhau. Như vậy, cần phải có một điều luật hoàn chỉnh hơn để xử phạt.

  1. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

Hiện nay, tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về việc phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, về xử lý hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm vẫn còn nhiều bất cập chưa thực sự giải quyết một cách triệt để, việc hoàn thiện Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là hết sức cần thiết để củng cố thêm công tác phòng chống và xử lý vi phạm, góp phần kiểm soát dịch bệnh trong thời điểm cấp bách hiện nay. Qua quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu có một số giải pháp, kiến nghị để giải quyết những hạn chế trên như sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện hơn các điều khoản ở Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 về phạm vi áp dụng các điều khoản mở, cũng như cần có đối tượng áp dụng cụ thể, và việc làm đó cần phải thực hiện trên Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015. Cùng với đó cần bổ sung pháp nhân thương mại là chủ thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người để tạo cơ chế bao quát toàn diện, dự liệu trước những trường hợp vi phạm, tránh bỏ lọt tội phạm gây nguy hiểm con người và xã hội trong giai đoạn dịch bệnh đang bùng pháp gây hậu nghiêm trọng. Các nhà làm luật cần tập trung hoàn thiện quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 thay vì ban hành vô số những hệ thống văn bản dưới luật để giải quyết vấn đề, trong khi vấn đề chính vẫn chưa thể khắc phục được.

Thứ hai, cần ban hành văn bản mới cụ thể hướng dẫn áp dụng “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” ở điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự. Vì công văn 45/TANDTC-PC không phải là văn bản quy phạm pháp luật và không có giá trị bắt buộc đối với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Thế nên cơ quan có thẩm quyền cần ban hành Thông tư liên tịch giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để hướng dẫn áp dụng điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, có thể thấy hiện nay án lệ là một nguồn quan trọng trong việc xử lý các hành vi phạm tội trên, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát gây hậu quả nặng nề tại Việt Nam việc xử lý hành vi vi phạm cần nhiều nguồn hơn nữa để việc áp dụng pháp luật xử lý vi phạm được khách quan và đảm bảo không bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, Hội đồng thầm phán Tòa án nhân dân tối cao nên ban hành án lệ liên quan đến việc hướng dẫn áp dụng điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự. Cụ thể là, Bản án số: 83/2021/HS-ST ngày: 16-7-2021 về vụ án “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” đối với bị cáo Đào Duy T. Bản án mang nội dung tương đối đầy đủ và trọng tâm trong việc hướng dẫn áp dụng điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự liên quan đến vấn đề nhập cảnh trái phép và không khai báo, cách ly y tế đối với trường hợp trở về từ vùng dịch, mặc dù được thông báo về việc đã tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 tại nước ngoài.

(Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm nghiên cứu của nhóm tác giả, không đại diện cho Khoa Luật)

Nhóm tác giả: Bùi Thị Hồng Vân, Võ Hoàng Chi, Phan Trúc Duyên, Trần Thị Thanh Thanh

________________________

  1. Nguyên Minh (2020), WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/who-tuyen-bo-covid-19-la-dai-dich-toan-cau-451697/ [ truy cập ngày 18/12/2021]
  2. Bộ y tế (2021), Bộ y tế -Trang thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19, https://ncov.moh.gov.vn/ [truy cập ngày 18/12/2021]
  3. Bộ y tế (2021), Bộ y tế -Trang thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19, https://ncov.moh.gov.vn/ [truy cập ngày 18/12/2021]
  4. Bộ Y tế (2021), Bản tin Bộ Y tế về tình hình chống dịch COVID-19 tại Việt Nam ngày 18/12/2021, https://rd.zapps.vn/detail/599412600163072937?id=6cc404b14ef4a7aafee5&pageId=599412600163072937&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=33 [truy cập ngày 18/12/2021]
  5. Trường Đại học Luật TP. HCM (2021), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần các tội phạm, Quyển 1, NXB Hồng Đức, trang 421
  6. Trường Đại học Luật TP. HCM (2021), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần các tội phạm, Quyển 1, NXB Hồng Đức, trang 421
  7. Vũ Thị Thúy (2021), Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, Tạp chí Dân chủ và pháp luật “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, trang 95-96.
  8. Trường Đại học Luật TP. HCM (2021), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần các tội phạm, Quyển 1, NXB Hồng Đức, trang 422- 423
  9. Bộ luật Hình sự Trung Quốc của dịch giả Đinh Bích Hà, Nxb. Tư pháp, Hà Nội – 2007.
  10. Vũ Thị Thúy (2020), Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” do Trường đại học Văn Lang tổ chức, Tr. 98-99.
  11. Vũ Thị Thúy (2020), Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” do Trường đại học Văn Lang tổ chức, tr.99.
  12. Nguyễn Hoàng Chi Mai, Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp (2020), Xử lý hành vi phạm tội liên quan đến bệnh truyền nhiễm ở một số nước trên thế giới, https://kiemsat.vn/xu-ly-hanh-vi-pham-toi-lien-quan-den-benh-truyen-nhiem-o-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-57054.html [truy cập ngày 5/9/2021].
  13. Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội – 2011.
  14. Vũ Thị Thúy (2020), Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” do Trường đại học Văn Lang tổ chức, tr. 97
  15. Tuyên án đối với nam tiếp viên hàng không làm lây lan dịch bệnh, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-tin-xet-xu?dDocName=TAND165307 [truy cập ngày 07/09/2021]
  16. Văn Vĩnh (2021), Khởi tố vụ án “làm lây lan dịch bệnh” liên quan đến bệnh nhân 1440, https://cand.com.vn/Phap-luat/Khoi-to-vu-an-lien-quan-den-benh-nhan-1440-i593166/ [truy cập ngày 08/09/2021]
  17. Bản án số 83/2021/HS-ST ngày 16/7/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương xét xử Đào Duy T. về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
  18. Nguyễn Hùng (2021), Bị phạt 5 năm tù vì làm lây lan dịch bệnh COVID-19, https://tuoitre.vn/bi-phat-5-nam-tu-vi-lam-lay-lan-dich-benh-Covid-19-20210906154020758.htm [truy cập ngày 08/09/2021]
  19. Cù Dzĩng (2021), Khởi tố vụ án làm lây Covid-19 ở Cai Lậy, https://cand.com.vn/Phap-luat/Khoi-to-vu-an-lam-lay-lan-dich-benh-COVID-19-o-Cai-Lay-i617314/ [truy cập ngày 09/09/2021]
  20. Phạm Duy (2021), Nữ bác sĩ khoa Sản BVĐK Bình Thuận bị phạt hành chính 15 triệu, https://laodong.vn/y-te/nu-bac-si-khoa-san-bvdk-binh-thuan-bi-phat-hanh-chinh-15-trieu-939172.ldo [truy cập ngày 09/09/2021]

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *