Giới thiệu chương trình đào tạo ngành Luật và Luật Kinh tế khóa 27

Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang trong năm 2021 tuyển sinh 02 ngành bậc cử nhân bao gồm: ngành Luật Kinh tế (Mã ngành: 7380107) và ngành Luật (Mã ngành: 7380101).

vlu tien si moi truong b

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Ngành Luật Kinh tế

Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật Kinh tế cung cấp cho người học những kiến thức nền tảng về Nhà nước và pháp luật, kiến thức sâu về pháp luật kinh tế, bồi dưỡng năng lực thực hành, tạo ra nguồn nhân lực có thể lực và phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức, thái độ tích cực, tôn trọng, bảo vệ pháp luật và công lý; gắn bó với nghề nghiệp, trung thực và tận tụy trong công việc; có phương pháp làm việc khoa học, tư duy phản biện; có kiến thức pháp luật kinh tế vững vàng, kỹ năng hành nghề chuyên nghiệp, giải quyết được những vấn đề phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và các hoạt động sản xuất – kinh doanh; có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, thích ứng với tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước trong kỷ nguyên số; có khả năng và động lực tiếp tục học tập để đạt trình độ học vấn cao hơn.

Ngành Luật:

Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật cung cấp cho người học những kiến thức nền tảng về Nhà nước và pháp luật, kiến thức chuyên sâu về Luật Dân sự/ Luật Hình sự, có năng lực thực hành nghề nghiệp để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn đời sống; có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, thích ứng với tiến trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập của đất nước; có nhiệt huyết, gắn bó với nghề nghiệp, trung thực và mẫn cán trong công việc được giao; có phương pháp tiếp cận vấn đề một cách khoa học, có tư duy phản biện, tư duy đa chiều để giải quyết vấn đề hiệu quả liên quan đến chuyên môn; có khả năng và động lực tiếp tục học tập để đạt trình độ học vấn cao hơn.

TỔ HỢP MÔN XÉT TUYỂN:
  • A00 ( Toán, Vật lý, Hóa học);

  • A01(Toán,Vậtlý, Tiếng Anh);
  • C00 ( Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý);
  • D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).

KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC VÀ THỜI GIAN ĐÀO TẠO
  • Chương trình đào tạo của 02 Ngành Luật Kinh tế và Ngành Luật đều có khối lượng 130 tín chỉ (không kể Giáo dục quốc phòng và Giáo dục thể chất).

  • Thời gian đào tạo từ 3,5 năm – 4 năm.

Xem CTĐT ngành Luật tại đây Xem CTĐT ngành Luật Kinh tế tại đây
ĐIỂM NỔI BẬT CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT KINH TẾ VÀ NGÀNH LUẬT

Với Triết lý giáo dục chung “Sự kết hợp của lý thuyết cùng các hoạt động ứng dụng mô phỏng và thực hành các kỹ năng sử dụng, vận dụng kiến thức pháp luật vào thực tiễn”. Chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế và ngành Luật của Trường Đại học Văn Lang có những nét đặc trưng sau:

  • Xây dựng Chương trình đào tạo theo hướng tăng cường kiến thức thực tiễn và thực hành mô phỏng (phiên tòa tập sự);
  • Tăng thời gian kiến tập, thực tập nghề nghiệp của sinh viên tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức và các doanh nghiệp;
  • Chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn cho sinh viên;
  • Tăng cường khả năng ngoại ngữ (IELTS) để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập.

Ngoài ra Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang còn có những thế mạnh riêng như:

  • Đội ngũ giảng viên chất lượng cao với nhiều năm kinh nghiệm gồm 4 Phó giáo sư, 6 Tiến sĩ, nhiều Nghiên cứu viên, Giảng viên cao cấp, Giảng viên chính, Chuyên gia pháp luật hàng đầu, Luật sư nổi tiếng; nhiều giảng viên giỏi, giảng viên đào tạo nước ngoài;
  • Khoa Luật có hệ thống các đối tác là cơ quan Nhà nước, Công ty Luật, Văn phòng luật sư, Văn Phòng công chứng, doanh nghiệp… hỗ trợ người học trong quá trình kiến tập, thực tập và tìm kiếm việc làm;
  • Cơ sở vật chất hiện đại: 100% phòng học có điều hoà, máy chiếu, wifi, dịch vụ tiện ích đầy đủ. Đặc biệt, Khoa Luật có một Phòng xử án tập sự với đầy đủ trang thiết bị để sinh viên thực hành;
  • Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Chương trình đào tạo và các thủ thục hành chính giúp hỗ trợ sinh viên một cách tốt nhất.
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể công tác trong 4 nhóm vị trí việc làm sau:

– Nhóm 1: Làm việc trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước; Các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp (như Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án, Cơ quan điều tra), các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội;

– Nhóm 2: Làm việc tại các tổ chức bổ trợ tư pháp bao gồm: Văn phòng Luật sư, Công ty Luật; Quản tài viên; Tổ chức Đấu giá tài sản; Trọng tài thương mại; Tổ chức Giám định tư pháp; Văn phòng Công chứng; Văn phòng Thừa phát lại;

– Nhóm 3: Làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài (FDI), doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước;

– Nhóm 4: Tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứu hoặc các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp;

– Nhóm 5: Làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế có các hoạt động liên quan đến các vấn đề pháp luật.

ThS. Đinh Lê Oanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *