Nghiệm thu đề tài NCKH cấp Trường “Phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam – Nhìn từ góc độ pháp lý”

Ngày 29/9/2021, trường Đại học Văn Lang đã tổ chức nghiệm thu đối với đề tài “Phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam – Nhìn từ góc độ pháp lý” do PGS. TS Phan Quang Thịnh làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài là sản phẩm kết hợp giữa các thành viên nhóm nghiên cứu là giảng viên Khoa Luật trường Đại học Văn Lang và thành viên là công chức Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh.

Bắt đầu từ Vũ Hán (Trung Quốc), đại dịch COVID-19 đã lây lan ra toàn thế giới với với ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Việt Nam cũng đang phải trải qua đợt dịch nghiêm trọng nhất từ thời điểm đầu năm 2020 đến nay. Hàng loạt các chính sách nhằm phòng, chống dịch COVID-19 đã được cơ quan có thẩm quyền triển khai trong suốt thời gian qua. Nhóm nghiên cứu đã chọn hướng tiếp cận bằng việc khảo sát mức độ hiểu biết và phản ứng của người dân đối với 17 nhóm chính sách chính, bao gồm việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự và cách ly đối với các đối tượng nhiễm bệnh và có khả năng nhiễm bệnh. Theo đó, đã có 1.067 đối tượng là người dân chịu tác động của chính sách, luật sư, luật gia,… tham gia cho ý kiến đối với khảo sát.

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã có sự tổng hợp, rà soát các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự để đánh giá mức độ tương thích giữa các chính sách và quy định, từ đó, chỉ ra những điểm còn bất cập của các quy định này. Đồng thời, nhóm cũng khảo sát mô hình chống dịch và quy định pháp luật của một số quốc gia khác (Anh, Pháp, Đài Loan, Hàn Quốc) để làm cơ sở tham khảo cho các kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành của Việt Nam, áp dụng không chỉ cho giai đoạn dịch COVID-19 mà còn cho các giai đoạn chống dịch sau này.

Kết quả nghiên cứu của nhóm được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về cả tính khoa học lẫn tính thực tiễn. Đây cũng là một trong những đề tài tiên phong nghiên cứu tổng thể quy định pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đang diễn ra. Báo cáo tổng hợp đề tài đã chỉ ra được những “lỗ hổng” trong các quy định pháp luật, là nguyên nhân chính dẫn đến việc các cơ quan chức năng thiếu cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Từ đó, báo cáo đã có những đề xuất cụ thể để hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và để bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của công dân. Bên cạnh báo cáo, thành viên của nhóm nghiên cứu cũng đã và sắp công bố 06 bài báo liên quan đến đề tài trên các tạp chí: Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp), Công thương và Khoa học pháp lý Việt Nam. Trong đó, có một bài báo cáo tại Hội thảo quốc tế International Conference on COVID-19 Pandemic and Public Health System do Nepalese Society of Community Medicine (NESCOM) cùng với iConferences có chỉ số SCOPUS. Đặc biệt, một phần nội dung đề tài còn được mở rộng thành các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường của sinh viên.

Với những kết quả kể trên, Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất thông qua kết quả nghiên cứu của đề tài “Phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam – Nhìn từ góc độ pháp lý” do nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Luật, trường Đại học Văn Lang thực hiện.

ThS. Đoàn Kim Vân Quỳnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *